Giáo dục trẻ em, những kỹ năng sống cần thiết để phòng tránh xâm hại trẻ em… không chỉ là trách nghiệm của gia đình, nhà trường mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội
6 KỸ NĂNG PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM
Hàng loạt các vụ cáo buộc xâm hại trẻ em gần đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ và xã hội về việc bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn này. Sau đây là những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em được các chuyên gia về giới tính và trẻ em khuyến nghị cha mẹ và nhà trường nên giáo dục cho trẻ.
Xâm hại trẻ em là gì?
Xâm hại trẻ em là bất kỳ hành động nào có chủ ý và làm tổn thương hoặc gây nguy hại đến trẻ. Có 4 hình thức của xâm hại trẻ em: Thể chất, Tình dục, Tinh Thần, Xao Nhãng. Xâm hại trẻ em là vấn đề toàn cầu, nó xảy ra ở mọi quốc gia trên thế giới và có thể xảy ra với bất kỳ đứa trẻ nào.
Xâm hại trẻ em gây ra những tổn thương nghiêm trọng và lâu dài cả về thể xác và tâm lý đối với nạn nhân. Những hậu quả đó cũng ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
6 kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em
Cha mẹ thường dạy trẻ nhiều kỹ năng sống như tự lập trong hoạt động hàng ngày, chia sẻ, làm việc nhóm… nhưng lại quên mất việc giáo dục cho trẻ cách bảo vệ bản thân khỏi xâm hại. Các chuyên gia về trẻ em và giới tính kiến nghị những kỹ năng cần phải giáo dục cho trẻ, đặc biệt là trẻ em tiểu học.
Dạy trẻ ranh giới tiếp xúc cơ thể nguy hiểm
Dạy trẻ em đâu là ranh giới tiếp xúc cơ thể. Không cho ai chạm vào vùng kín của mình cũng như không chạm vào vùng kín của bất cứ ai. Cần phải ghi nhớ cả 2 trường hợp này vì nhiều bậc phụ huynh bỏ quên trường hợp thứ 2 và không ngờ rằng đây mới là điều kẻ lạm dụng xúi giục con làm đầu tiên.
Khuyến khích trẻ kể về hoạt động hàng ngày của chúng
Sẽ là quá khó với trẻ để nhận ra đâu là tình huống nguy hiểm và cần phải tránh xa. Thay vào đó, hãy thường xuyên tâm sự với trẻ về những hoạt dộng hàng ngày của con. Tạo thói quen giúp trẻ có thể thoải mái chia sẻ bất kỳ chủ đề nào với bố mẹ. Nếu nhận thấy hành vi không được chấp nhận hoặc hành vi đáng ngờ qua lời kể của trẻ, bạn có trách nhiệm phải xử lý các hành vi đó.
Dạy trẻ về các bộ phận cơ thể
Nhiều bé bị xâm hại mà không thể tự nhận biết được sự nghiêm trọng do quá non nớt. Cha mẹ cần phải sớm dạy cho trẻ về các bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả vùng kín của con. Việc này nên được thực hiện từ sớm, khi trẻ khoảng 3 tuổi cho tới khi lớn. Với mỗi độ tuổi, cả cha mẹ và nhà trường cần có cách thức cũng như mức độ dạy sao cho phù hợp. Ví dụ như những trẻ còn nhỏ, không cần phải giải thích kỹ mà chỉ dạy trẻ nhớ kỹ tên các bộ phận cơ thể, với những trẻ lớn hơn bắt đầu dạy trẻ nhiều hơn về các bộ phận trên cơ thể, nơi nào nhạy cảm không ai được nhìn hay sờ vào,…
Kỹ năng xử lý khi gặp phải tình huống nguy hiểm
Trẻ em thường ngại khi từ chối người khác, đặc biệt là bạn hơn tuổi hoặc người lớn vì sợ hay e ngại bị ghét, bị cô lập và dễ hoảng sợ khi bị dọa nạt…Cần phải dạy trẻ những kỹ năng từ chối người khác, kỹ năng thoát khỏi các tình huống nguy hiểm. Ở nhà, cha mẹ có thể dạy con bằng cách đưa ra các tình huống và hỏi con sẽ xử lý thế nào nếu gặp phải, hướng dẫn con cách xử lý tốt nhất. Ở trường học hiện nay cũng đã tổ chức các buổi chia sẻ, tọa đàm về vấn đề này để trẻ có thể đặt câu hỏi cho các chuyên gia và được hướng dẫn cách thoát khỏi tình huống nguy hiểm.
Dạy trẻ cách nói chuyện với bố mẹ, người thân khi bị xâm hại
Trẻ em biết rõ thủ phạm xâm hại mình là ai. Nhưng vì nhiều lý do, trẻ thường giữ im lặng về việc bị xâm hại. Nói với trẻ rằng con sẽ không gặp phải bất kỳ rắc rối gì nói chuyện với bạn, và hãy làm theo lời hứa này, tránh trừng phạt vì những điều con lên tiếng. Trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa trẻ phải giữ bí mật thì trẻ nên thông báo cho cha mẹ và người thân biết. Một điều rất hiệu quả trong việc để con thông báo tình huống của mình chính là tạo ra ám hiệu riêng giữa mình và trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ em cảm thấy an tâm hơn khi đối tượng là những người thân thuộc và thường xuất hiện ở nhà của trẻ.
Ngoài việc để trẻ nói ra khi bị xâm hại, cha mẹ nên chú ý đến biểu hiện của trẻ, ví dụ như đột nhiên hoảng sợ khi ai đó chạm vào người, không thích tiếp xúc hay tránh xa những người mà trước đây bé rất quý mến,…chú ý đến hành vi sẽ giúp bố mẹ và nhà trường nhanh chóng phát hiện ra tình huống mà trẻ gặp phải.
Nói cho trẻ biết nguy hiểm có thể đến từ những người quen biết
Nói với trẻ rằng nguy hiểm có thể đến từ bất kỳ đâu: Hàng xóm, người thân, trường học,… – Những người bé yêu quý và tin tưởng. Người Việt thường có thói quen cấu, véo hay sờ những vùng nhạy cảm của trẻ và cho đó chỉ là một hành động bình thường, thế hiện tình yêu thương. Tuy nhiên, đó là một dạng xâm hại trẻ em và có thể khiến trẻ tưởng lầm đó là cách thể hiện tình yêu thương và không nhận ra sự nguy hiểm. Cha mẹ cần kiểm soát ngay những hàng động đó và dặn con thông báo nếu có bất kỳ ai thực hiện động chạm như vậy.
Mọi trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức xâm hại. Phụ huynh và nhà trường cần giáo dục cho trẻ những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em và có trách nhiệm bảo vệ con khỏi vấn nạn này.